Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, khi xã hội loài người ngày càng phát triển, càng giật mình trước những mai một trông thấy trong văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ các thành phần xã hội thì người ta càng quan tâm và coi trọng chỉ số EQ -Emotional intelligence Quotient (chỉ số cảm xúc).
Nhiều nghiên cứu cho thấy, người có chỉ số EQ cao thường gặt hái thành công trong cuộc sống dễ dàng hơn những người chỉ mạnh về chỉ số IQ – intelligence quotient (chỉ số thông minh). Thực tế cho thấy, ngay từ những năm đầu đời, trước khi trở thành con người của cộng đồng xã hội thì trong mỗi gia đình, trẻ là một thành viên bình đẳng trong các mối quan hệ với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Có lẽ ngoài tình yêu thương, trẻ rất cần được dạy dỗ cách ứng xử phù hợp tình huống. Và bài học sơ khai nhất nhưng cũng không kém phần quan trọng là dạy trẻ biết nói những lời “cám ơn và xin lỗi” một cách chân thành đúng lúc và đúng chỗ.
Giật mình cách dạy trẻ “cảm ơn” và “Xin lỗi”
Trong các câu chuyện nghe được tại một hàng cháo sáng, chủ đề thường tập trung vào tính “ương bướng” của các em bé. Mỗi phụ huynh đều hay tự nhận “con nhà mình bướng lắm”, không chịu nói lời xin lỗi khi mắc lỗi với người xung quanh.
Chị Hải vừa cho bé Vân Anh (3 tuổi rưỡi) ăn cháo, vừa hào hứng kể, nó bướng lắm, không chịu xin lỗi. Bố đánh bao nhiêu roi cũng nhất định không xin lỗi. Dọa cho vào máy giặt cũng vẫn không sợ. Đến khi bật máy giặt lên, thấy máy quay và phát tiếng kêu tít tít mới chịu xin lỗi.
Còn bé Bông (hơn 4 tuổi), con gái chị Bích Hợp cũng chỉ chịu nói lời xin lỗi cậu em trai 18 tháng tuổi vì đã xô ngã em khi bị người lớn quát mắng và dọa đánh.
Cậu bé Thái An (5 tuổi) không chịu nói lời cảm ơn cô chú khi nhận được quà. Câu bé say sưa với món quà mà quên ngay nghĩa vụ nói lời cảm ơn người tặng. Được bố mẹ yêu cầu thì cậu phụng phịu và ôm đồ chơi chạy đi chỗ khác. “Vì ngượng với cô chú nó vì bảo con không được nên bố nó lấy roi cho một trận thừa sống thiếu chết”, chị Thu Hà, mẹ cháu hồn nhiên kể.
Hãy là tấm gương sáng của con
Trẻ nhỏ rất hay quan sát và bắt chước cha mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hằng ngày. Vì thế các bậc cha mẹ hãy là tấm gương cho con noi theo. Đó là cách thị phạm nhẹ nhàng và hiệu quả nhất và trẻ nhỏ rất tinh ý khi bạn dạy chúng một bài học nhưng lại không làm được điều bạn nói.
Hãy cho trẻ thấy sự cảm thông, yêu thương của những người lớn đối với nhau và đối với trẻ. Cho dù đó chỉ là một việc nhỏ nhất thì bạn cũng hãy nói xin lỗi và cám ơn đúng lúc để trẻ thấy được đây là việc nên làm. Hãy kiên nhẫn giải thích cho trẻ hơn là bắt bớ trẻ phải thực hiện mệnh lệnh của người lớn. Trẻ cần nhận thức được vì sao cần phải nói cảm ơn, xin lỗi trong tình huống cụ thể.
Tuyệt đối nên tránh việc bắt trẻ nói ra những cụm từ đó như một cái máy. Điều này vô tình sẽ biến trẻ thành người dễ bão hòa cảm xúc và khó phân biệt đúng, sai. Hãy giải thích tình huống với cách diễn đạt phù hợp với độ tuổi của bé cũng như lý do tại sao bạn cần phải làm như vậy. Trẻ học được nhanh chóng nhất và có thể lưu lại điều đó trong trí nhớ lâu hơn qua chính tấm gương chúng thấy hằng ngày.
Hãy là người chấm điểm nghiêm khắc và công bằng
Cha mẹ hãy cho con cơ hội nhận thức đúng, sai trong những tình huống cụ thể. Chẳng hạn, nếu thấy một người già muốn qua đường thì con sẽ làm gì? Nếu bạn học chung lớp bị các bạn khác bắt nạt thì con sẽ làm gì? Cần được đặt ra để trẻ trả lời theo ý chúng. Bạn hãy lắng nghe rồi phân tích đúng sai cho trẻ. Bên cạnh đó, bạn hãy nói lấy giúp mẹ hoặc cảm ơn con khi nhờ trẻ làm gì để chúng quen với những từ ngữ đó. Và bạn hãy nhớ rằng luôn làm những điều tốt để chúng bắt chước và noi theo các bạn.
Bên cạnh đó, hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân. Nếu bạn biết cách khuyến khích con thì con sẽ coi bạn là nơi chia sẻ, là người bạn thực sự của chúng. Con sẽ tìm bạn để chia sẻ và xin ý kiến. Đừng triệt tiêu sự dũng cảm của con khi con đã kể ra lỗi của chúng và xin lỗi bạn. Không nên xoáy sâu thêm hay làm cho trẻ thấy nặng nề khi đã nhận lỗi.
Bạn cũng cần chia sẻ với con rằng, kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ. Cũng tương tự như thế, khi trẻ biết cảm ơn chân thành trước một việc làm tốt của người khác dành cho mình, cha mẹ cũng nên khen con thật khéo léo. Tuy nhiên, khen ngợi cũng cần đúng mực và đúng lúc, không nên quá lạm dụng khiến trẻ khó nhận biết ý nghĩa thực của những lời khen.
Dạy trẻ nói lời “cảm ơn” hoặc “xin lỗi” không phải là việc khó nhưng đòi hỏi từ cha mẹ và những người lớn xung quanh sự kiên trì, nhẫn nại và tinh tế. Điều quan trọng bậc nhất ở đây là hướng trẻ đến sự thành tâm chứ không phải là “bắt ép” trẻ nói ra những lời đó như một nghĩa vụ, làm cho xong việc. Qua việc giáo dục trẻ những điều này, chúng ta giúp trẻ gián tiếp thể hiện tình cảm đối với cha mẹ và mọi người xung quanh. Đó là điều rất cần thiết trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.
KD
Nguồn Báo Mới ngày 05/02/13