Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em gây rúng động xã hội. Theo số liệu thống kê của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy, có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân trong 5 năm trở lại đây. Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em còn làm ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình là dạy cho trẻ những kỹ năng giúp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.
Trước vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng ấy, trường mầm non Thần Đồng ở cả 2 cơ sở Văn Quán và Hoàn Kiếm đang tích cực đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng tránh nguy cơ bị xâm hại cho toàn bộ học sinh của Hệ thống trường. Qua các buổi giáo dục này giúp trẻ nhận biết các vùng nhạy cảm trên cơ thể, từ đó giải đáp cho câu hỏi có được hay không trước sự động chạm, nhìn, nói (bình luận)… về những vùng nhạy cảm riêng tư của người khác? Có được hay không, khi bác sĩ kiểm tra vùng kín cho bé khi có mẹ đứng bên? Khi một phụ nữ cho một bé trai xem bức ảnh khỏa thân? Khi một người lạ ôm một bé trai? Khi người chú ôm cháu gái của mình?…
Trên cơ sở hệ thống những hành vi mang nguy cơ xâm hại tới trẻ qua những ví dụ cụ thể và chia thành 5 loại báo động: Báo động chạm, Báo động nói, Báo động ôm, Báo động một mình, Báo động nhìn; giúp trẻ dễ dàng phát hiện những nguy cơ xâm hại tới bản thân mình để tránh, từ chối, bỏ chạy hoặc thông báo, la hét cầu cứu người xung quanh.
BTV Trần Thọ
Dẫn nguồn từ bài đăng của trường Mầm non Thần Đồng
KD