Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

“Đội mũ cho con – trọn tình cha mẹ” là một thông điệp rất hay và ý nghĩa của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia nhằm tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em. Tuy nhiên, thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, khi tham gia giao thông, tỷ lệ người lớn đội MBH chiếm khoảng 80 đến 85%, song ở trẻ em, tỷ lệ này chưa đến 10%.

Lâu nay, các lực lượng chức năng dường như bỏ qua việc nhắc nhở, tuyên truyền và xử phạt học sinh không đội MBH, nhiều bậc cha mẹ chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH, vì thế việc thực hiện thiếu nghiêm túc. Có cha mẹ đội MBH cho con, nhưng lại không cài quai đúng quy cách, mũ cũng không phù hợp kích cỡ và độ tuổi. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trẻ em từ sáu tuổi trở lên khi lưu thông bằng xe gắn máy buộc phải đội MBH, cài quai đúng quy cách, người lớn chở trẻ em không đội MBH sẽ bị xử phạt. Với mức phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng/lần vi phạm (tương đương giá trị một chiếc MBH đạt chuẩn), là bằng chứng rõ nét cho thấy để bị xử phạt là việc không đáng có.

Bộ Y tế cảnh báo, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em bị chết vì tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 24 đến 26% số trẻ em chết do tai nạn, thương tích; trong đó, gần 50% các trường hợp nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ não do không đội MBH, tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do TNGT. Ðây thật sự là con số đáng báo động, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần duy trì chiến dịch kiểm tra, tăng chế tài và xử phạt một cách nghiêm khắc học sinh hoặc các bậc cha mẹ không chấp hành việc đội MBH cho con.

Tùy điều kiện từng địa phương, trường học, cần đổi mới việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ATGT cho trẻ em, tăng cường trách nhiệm của phụ huynh, thầy cô; đưa môn ATGT vào dạy và học qua các kỹ năng tham gia giao thông; vận động các em đi bộ, hạn chế sử dụng xe đạp, xe máy điện; bố trí các tuyến xe buýt đưa, đón học sinh đến trường,…

Ðội MBH đúng quy cách là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa những trường hợp đáng tiếc khi TNGT xảy ra, trong đó có chấn thương sọ não, gây chết người. Kết quả nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong trường hợp xảy ra TNGT, khi đội MBH đúng quy cách, nguy cơ chấn thương vùng đầu sẽ giảm 69%, nguy cơ chết người giảm 42%.

Ðã có khá nhiều bài học, hệ lụy thương tâm để lại nỗi đau ám ảnh từ những vụ TNGT xảy ra với trẻ em, chỉ vì cha mẹ chủ quan, lơ là. Sự chủ quan của người lớn có thể khiến con em mình ngồi phía sau tay lái phải đối mặt với mối hiểm nguy khôn lường. Các bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức tự giác, coi việc đội MBH cho con em mình là một hành động yêu thương, chứ không phải chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng xử phạt.

Ai cũng nói trẻ em là mầm non, tương lai của đất nước. Có một nghịch lý là nhiều bậc phụ huynh rất chăm bẵm, bao bọc, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con cái, song khi ra đường, lại “quên” việc đội MBH cho con. Thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, các cổng trường trên cả nước đã nhộn nhịp trở lại. Ðừng để mỗi ngày mới đưa con đi học, lại để con mình phải đối diện nguy cơ bị đe dọa tính mạng khi ngồi sau xe máy không đội MBH.

Khi bản thân các em chưa tự nhận thức đầy đủ và chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì bố mẹ, người lớn cần gương mẫu, chủ động phòng tránh nguy cơ cho con em mình từ một hành động đơn giản mà trọn tình yêu thương: đội MBH.

                                                                                                                        KD

Nguồn: Báo Nhân Dân ngày 20/08/2017